Mỹ NHâN TáI HIệN TRANH 1.000 NăM TUổI QUA Vũ đIệU

Tiết mục múa "Cô gái cài hoa" mô phỏng tranh phụ nữ thời Đường.

Vở Trâm hoa sĩ nữ (Cô gái cài hoa) được đài Henan TV giới thiệu trong tháng 4, do các diễn viên ở đoàn nghệ thuật Thẩm Dương thể hiện. Tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh cùng tên của danh họa Chu Phưởng (sinh khoảng năm 730, mất khoảng năm 800). Ông khắc họa cuộc sống nhàn nhã của các cô gái quyền quý, người bắt bướm, chơi với cún, người ngắm hoa, chỉnh xiêm y.

Ở vở múa, trang phục, kiểu tóc, lông mày của nghệ sĩ đều được mô phỏng theo các cô gái trong tranh. Điểm nhấn trong cách hóa trang nằm ở phần lông mày được vẽ hất lên, tượng trưng cho thiên nga vỗ cánh. Tóc được trang trí bằng bông mẫu đơn.

Chu Phưởng không vẽ không gian phía sau nhân vật còn ở vũ đạo, diễn viên múa trước các kiến trúc cổ, màu sắc đỏ chủ đạo.

Trương Hạnh, nhà biên đạo, cho biết ý tưởng của bà là tái hiện xã hội thời Đường, làm cho nhân vật trong tranh "sống dậy", từ đó thể hiện vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Bà nghiên cứu tư liệu, thiết kế điệu múa như trong các bức vẽ hơn 1.000 năm trước.

Nghệ sĩ múa Lý Mỹ Kỳ nói cô thích nhất chi tiết bươm bướm đậu trên tay một cô gái trong bức tranh. Khi được chọn thể hiện tiết mục, Lý Mỹ Kỳ tưởng tượng gương mặt, cảm nghĩ của nhân vật. Trước khi ghi hình, việc đầu tiên của cô là điều chỉnh tâm lý, đặt bản thân vào trong tranh, thực hiện ý tưởng của biên đạo.

Tranh lụa Trâm hoa sĩ nữ là một trong quốc bảo của Trung Quốc, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Liêu Ninh. Lần gần nhất tác phẩm được triển lãm là năm 2015. Mã Bảo Kiệt, giám đốc Bảo tàng tỉnh Liêu Ninh, nói để bảo vệ bảo vật, những người ở cấp quản lý như ông cũng khó có cơ hội ngắm nhìn bức tranh. Vì một khi thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, tác phẩm rất dễ bị hư hại. Mã Bảo Kiệt nói: "Người xưa có câu 'Giấy thọ nghìn năm, lụa thọ bát bách', Trâm hoa sĩ nữ tồn tại sau hơn 1.100 năm là việc không dễ dàng".

Nghinh Xuân

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-24T05:54:51Z dg43tfdfdgfd