THôNG đIệP KHáC NHAU CủA LãNH đạO NGA, UKRAINE KHI Dự Lễ PHụC SINH CHíNH THốNG GIáO

Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng mừng lễ Phục sinh theo lịch Chính thống giáo và gửi thông điệp cho người dân.

Thông điệp của lãnh đạo Ukraine, Nga

Sáng 5-5 (giờ địa phương), nhân ngày Phục sinh của Chính thống giáo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi người dân Ukraine cùng đoàn kết cầu nguyện cho những người lính Ukraine.

“Thiên Chúa - đấng mang trên vai lá cờ của Ukraine, đấng khiến sự sống đánh bại cái chết. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Khi tất cả chúng ta tiến đến gần nhau hơn, chúng ta sẽ gắn kết với nhau thành một thể mà không còn là những con người xa lạ”, ông Zelensky nói trong thông điệp mừng lễ Phục sinh.

Đứng trước nhà thờ Thánh Sophia 1.000 năm tuổi ở thủ đô Kiev, một di tích kiến trúc và biểu tượng tinh thần của các tín đồ Chính thống giáo Ukraine, Tổng thống Zelensky cho biết các binh sĩ Ukraine đã bền bỉ chiến đấu suốt 802 ngày qua với mong mỏi giành chiến thắng.

Tại thủ đô Matxcơva, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tham dự thánh lễ Phục sinh do Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga trực tiếp cử hành. 

Theo Hãng tin Reuters, Thượng phụ Kirill là người ủng hộ nhiệt thành của Tổng thống Putin và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.

Trong bức thư chúc mừng lễ Phục sinh của ông Putin gửi người dân Nga được đăng tải trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Nga cho biết lễ Phục sinh còn là dịp để bảo tồn di sản văn hóa, tinh thần của người Nga, giúp truyền bá những phẩm chất tốt đẹp của con người đến với giới trẻ.

Lễ phục sinh ở Jerusalem

Đài Al Arabiya (Saudi Arabia) đưa tin hàng ngàn tín đồ Chính thống giáo đổ dồn về thành cổ Jerusalem vào đêm 4-5 để tham dự nghi lễ rước nến Phục sinh, một nghi thức quan trọng được cử hành vào đêm trước lễ Phục sinh, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cảnh sát Israel.

Sau hàng giờ đồng hồ chen chân trong đám đông và chờ đợi, Thượng phụ Giáo hội Chính thống giáo Hy Lạp Theophilos III đã rước ngọn lửa Phục sinh từ bên trong ngôi “mộ Thánh”, vị trí được cho là nơi đặt thi hài Chúa Giê-su sau khi người bị đóng đinh trên thập giá.

Ngay sau đó, ngọn lửa Phục sinh từ cây nến của Thượng Phụ Theophilos III được truyền sang nến của hàng ngàn người bên trong và cả bên ngoài nhà thờ. Nhà thờ Mộ Thánh nhanh chóng rực lên bởi ngọn lửa Phục sinh và tiếng kinh cầu của các tín đồ.

Ngọn lửa cũng theo tay những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới thắp sáng các con phố, tràn đến những ngõ hẻm của thành cổ Jerusalem.

Nghi thức đốt nến Phục sinh là hoạt động thường niên được tổ chức hàng năm vào đêm trước lễ Phục sinh ở cả Chính thống giáo và Công giáo.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, các nghi thức trong tuần lễ Phục sinh năm nay lại được tổ chức trong bầu không khí có phần căng thẳng hơn, số lượng cảnh sát được bố trí khắp Jerusalem cũng tăng lên do tình hình chiến sự ở Dải Gaza.

Chính thống giáo phương Đông được tách ra từ Công giáo sau cuộc đại ly giáo năm 1054. Nhánh tôn giáo này hiện phổ biến ở khu vực phía đông châu Âu, từ Hy Lạp đến Nga, Ukraine, Ba Lan… trải dài xuống khu vực Trung Đông và lan sang tận châu Phi.

Các tín đồ Chính thống giáo phương Đông, bao gồm giáo hội Chính hội Ukraine và Nga tổ chức lễ Phục sinh vào ngày 5-5 thay vì ngày 31-3 như các tín hữu Công giáo bởi Chính thống giáo sử dụng lịch Julian, tức chậm hơn 13 ngày so với lịch Gregorian hiện nay.

Điển hình, năm mới tại các quốc gia sử dụng lịch Julian sẽ được tổ chức vào ngày 13-1 hằng năm thay vì ngày 1-1 như các nước khác.

Tuy nhiên, lễ Phục sinh năm 2024 có phần đặc biệt hơn đối với giáo hội Chính thống giáo bởi lễ Phục sinh năm nay bị dời đến tận ngày 5-5 do trùng với Lễ Vượt qua của người Do Thái.

Lễ Vượt qua là ngày lễ ăn mừng sự kiện Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của người Ai Cập và lễ này thường kéo dài một tuần. Lễ Vượt qua của người Do Thái năm 2024 kết thúc vào ngày 30-4.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-05T10:08:23Z dg43tfdfdgfd