THạC Sĩ VăN HọC NóI Về CUốN SáCH “MộT THOáNG TA RựC Rỡ ở NHâN GIAN”

Theo Thạc sĩ Văn học Vũ Thị Thanh Tâm, cuốn sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được viết với ngôn ngữ đẹp đẽ, nhân văn và giàu cảm xúc. “Nếu con tôi ở tuổi 17 đọc cuốn sách này, tôi sẽ run rẩy vì xúc động” – Thạc sĩ Văn học khẳng định.

Xoay quanh vụ việc liên quan đến cuốn sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" nảy sinh rất nhiều chiều ý kiến, bên cạnh ý kiến cho rằng sách "khiêu dâm", "nhớp nhúa", cũng có nhiều phụ huynh, các nhà văn, giới chuyên gia cho rằng, “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là cuốn sách đáng đọc.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về câu chuyện này, Thạc sĩ Văn học Vũ Thị Thanh Tâm – nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (hiện đã nghỉ dạy để mở thư viện tư nhân Ô cửa sách) có nhiều trăn trở.

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” bị kết tội vì chúng ta nghĩ về văn học quá đơn giản

Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm nói, “Chúng ta đang nghĩ về văn học quá đơn giản. Có thể, cách học văn và đọc sách của chúng ta đang đơn giản hóa. Mọi người luôn nghĩ rằng, văn học viết ra điều gì – người đọc sẽ đọc và làm theo. Văn học viết về gương người tốt, việc tốt – chúng ta sẽ có ngay một thế hệ độc giả đọc và noi theo. Ngược lại, nếu văn học viết về người xấu, việc xấu, người đọc cũng sẽ bắt chước.

Chức năng của văn học lớn hơn thế rất nhiều. Văn học hướng đến sự đồng cảm. Nếu như, văn học chỉ viết về những anh hùng hoàn hảo, đưa ra những câu chuyện hoàn hảo một chiều, vô hình chung, người đọc sẽ luôn xếp mình vào phe thiện, sẽ luôn nghĩ là mình đúng, chẳng bao giờ thấy mình sai.

Văn học cao cả hơn thế. Văn học không phán xét đúng – sai. Nhà văn viết về những con người không hoàn thiện, những cuộc đời méo mó, những thân phận đau khổ, tổn thương để làm gì? Để tìm thấy sự đồng cảm của người đọc. Đó mới là giá trị nhân văn nhất của văn học”.

Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm dẫn lại vụ việc, cách đây vài năm, từng có đề xuất loại tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa vì có ý kiến cho rằng, Chí Phèo nát rượu, còn có dấu hiệu “hiếp dâm”, gây ảnh hưởng xấu. Theo Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, đây chính là trường hợp điển hình của việc nhìn nhận văn học và việc học văn một cách đơn giản.

“Phía dưới lớp vỏ ngôn ngữ, văn học còn có những lớp lang hình tượng, ngữ nghĩa, ẩn dụ. Tôi không trách bậc phụ huynh kia, tôi chỉ thấy chị ấy phản ứng khi chỉ đọc tác phẩm ở lớp chữ bề mặt” – Thạc sĩ Tâm nói.

Lâu nay, câu chuyện giảng dạy môn văn học ở các trường luôn gây tranh cãi, khi bị cho rằng, kiến thức, nội dung giảng văn cũ kỹ, xáo mòn. Đề văn các kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT năm nào cũng đứng trong tâm điểm dư luận, bởi quá dễ đoán, nếu không phải “Vợ nhặt” cũng sẽ là... “Đoàn thuyền đánh cá”.

Theo Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, giữa bối cảnh, chương trình dạy văn bị chê cũ như vậy, tại sao lại dễ dàng loại bỏ một ý kiến có tính đổi mới trong giảng dạy văn học như trường hợp “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”?

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Tâm dẫn dắt, có rất nhiều tác phẩm có yếu tố tính dục từng được đưa vào sách giáo khoa và nằm trong danh sách những cuốn sách khuyến đọc, sách tham khảo, đơn cử như “Trăm năm cô đơn”.

Thạc sĩ Tâm khẳng định, ở độ tuổi 17, học sinh ở độ tuổi dậy thì, hiểu cơ chế sinh học của loài người, đang tìm hiểu về bản năng, sinh lý, hoàn toàn có thể cảm thụ được tác phẩm như “Trăm năm cô đơn”, hay “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”.

Hệ lụy của vụ việc “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”

Với vai trò một nhà giáo từng đứng lớp giảng dạy môn văn học, Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm đặt câu hỏi: “Sau vụ việc của cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, liệu ai còn dám sáng tạo trong việc dạy văn nữa, nếu như chỉ vừa mới có một ý kiến phản ứng, nhà trường đã lập tức thu hồi sách? Lẽ ra vụ việc cần được giải quyết thận trọng hơn, có sự trao đổi, bàn bạc giữa các bên thay vì đưa lên mạng xã hội. Động thái này sẽ để lại hệ lụy, có thể sẽ khiến nhiều giáo viên sợ hãi, họ sẽ trở lại với cách dạy văn “truyền thống”, bằng phẳng như từ trước tới giờ”.

Hơn thế, theo Thạc sĩ Tâm, việc hạn chế đưa văn học nước ngoài vào giảng dạy còn đẩy lùi văn hóa đọc của học sinh Việt Nam.

“Nếu các bạn có ý định đi du học, ra với thế giới nhưng lại bị cấm đọc, các bạn sẽ không thể bắt kịp kiến thức về văn học thế giới so với bạn bè quốc tế” – Thạc sĩ Tâm đưa quan điểm.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T16:22:40Z dg43tfdfdgfd