LAO độNG TRẻ NHậT BảN KéN CHọN CôNG VIệC

Thay vì cố gắng tìm công việc gắn bó trọn đời, người trẻ Nhật Bản lại chọn chỗ làm theo sở thích và yêu cầu của bản thân.

Giữa tháng 3, khoảng 100 công ty dựng gian hàng cho hội chợ thông tin việc làm tại Tokyo, Nhật Bản. Để thu hút sự chú ý của sinh viên mới tốt nghiệp, các công ty cho dựng hàng loạt biểu ngữ đầy màu sắc: "Hơn 120 ngày nghỉ có lương, hai nghỉ mỗi tuần", "Triển khai các cách làm việc đa dạng", "Niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo Prime".

Một sinh viên đại học năm thứ ba mặc đồ đen đơn giản - đồng phục điển hình của người săn việc trẻ, cho biết đang tìm kiếm một công việc phù hợp với sở thích xem nhạc kịch của bản thân.

"Bố mẹ tôi đều đang làm việc và có vẻ rất tận tâm với nghề. Nhưng tôi thích làm việc ở một công ty có thời gian nghỉ ngơi hợp lý hơn", người này nói.

Một nhân viên tuyển dụng từ công ty bán lẻ lớn nói muốn chiêu mộ 120 sinh viên mới tốt nghiệp vào năm 2025 nhưng không có cách nào đạt được mục tiêu. Ngày nay việc làm nhiều hơn nhưng sinh viên ít dần. Bên cạnh đó, nhiều lao động quan tâm đến việc có thể nghỉ lễ, thu nhập ổn định và buộc các công ty phải đảm bảo cung cấp môi trường làm việc dễ chịu, cho phép cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Yosuke Hasegawa, nhà nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu nghề nghiệp Mynavi, cho biết thái độ của các công ty đối với việc tuyển dụng đang thay đổi. Trước đây doanh nghiệp được lựa chọn nhân sự, nhưng bây giờ sinh viên lại chọn công ty và sự bất cân xứng trong mối quan hệ đang suy yếu.

"Nhiều công ty hiện nay đã quan tâm đến việc lắng nghe mong muốn của ứng viên", Yosuke Hasegawa nói.

Theo Bộ Lao động, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm 8 năm liên tiếp vào năm 2023. Ước tính của Recruit Works Institute cho thấy cả nước có thể thiếu 3,4 triệu người lao động vào năm 2030 và 11 triệu vào năm 2040.

Cuộc khảo sát hồi tháng 3 của Mynavi cũng cho thấy "chế độ đãi ngộ tốt", bao gồm tiền lương và các điều khoản về kỳ nghỉ là yếu tố quan trọng nhất khi 1.200 sinh viên sắp tốt nghiệp cân nhắc lựa chọn nơi làm việc. Xếp sau đó là "văn hóa doanh nghiệp" và yêu cầu "ổn định" chỉ đứng thứ ba.

Hisashi Yamada, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết quá trình tuyển dụng sâu rộng của Nhật Bản đang hoạt động dựa trên tiền đề rằng nhân viên nam ở độ tuổi 20-60 là nguồn lao động cốt lõi. Đây là nhóm lao động có thể ưu tiên công việc hơn cuộc sống, trong khi phụ nữ phải làm việc nhà và chăm sóc con cái. Tuy nhiên khi số lao động này sụt giảm, việc tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đa dạng hơn tham gia vào thị trường lao động là cần thiết.

Số hộ gia đình chỉ có nam giới đi làm vào năm 2022 đã giảm một nửa so với năm 1985. Trong khi số hộ gia đình có thu nhập kép tăng 1,7 lần trong cùng thời kỳ, theo dữ liệu từ văn phòng nội các. Tỷ lệ lao động nam trong khu vực tư nhân nghỉ phép làm cha là 14% năm 2021, tăng từ 0,5% năm 2004 dù vẫn thấp hơn so với tiêu chuẩn toàn cầu.

Kaoru Fujii, phụ trách nhân sự tại Recruit Co, cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy của người lao động. Nhiều người bắt đầu xem xét lại sự nghiệp và thiết kế lại lối sống để theo đuổi hạnh phúc, đặt trọng tâm vào những gì bản thân mong muốn.

Văn hóa làm việc truyền thống của Nhật Bản, bao gồm làm thêm giờ, uống rượu sau tan ca hay tham gia các sự kiện của công ty vào cuối tuần... từng được coi là cách gắn kết nhân viên. Nhưng các "bệnh lý" của hệ thống này đang bộc lộ rõ rệt theo thời gian. Năm 2015, một nhân viên nữ 24 tuổi đã tự sát khi liên tục tăng ca và bị sếp quấy rối tại công ty quảng cáo. Cũng từ đây thuật ngữ "Karoshi" được chú ý, mang ý nghĩa chết do làm việc quá sức.

Năm 2019, Nhật Bản đã thông qua luật mang tính bước ngoặt khi giới hạn số giờ làm thêm và bắt buộc người lao động phải nghỉ ít nhất 5 ngày có lương hàng năm. Đại dịch cũng rút ngắn thời gian làm việc. Theo Bộ Lao động, năm 2022, một công nhân toàn thời gian ở nước này đã làm khoảng 162 giờ một tháng, ít hơn 5 tiếng so với năm 2018.

Tuy nhiên sự thay đổi này có tác dụng phụ. Yamada cho biết giờ làm việc ít hơn đồng nghĩa với việc có thiếu thời gian để đào tạo nhân viên trẻ.

Giáo sư Miyamoto nói rằng khu xu hướng "nhảy việc" ngày càng thịnh hành khiến quá trình huấn luyện nhân viên trở nên khó khăn.

"Khi mọi người được tự do chuyển đổi công việc, các công ty sẽ mất động lực đào tại nhân viên. Người lao động buộc phải tự nâng cao tay nghề và các chính sách cần hỗ trợ điều đó", chuyên gia.

Theo Cục Thống kê Nhật Bản riêng năm 2023 cả nước có 3,3 triệu lao động thay đổi việc làm, gần đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019 khi có đến gần 10 triệu người mong muốn chuyển việc.

Noriaki Yamamoto, giám đốc điều hành của nền tảng tìm việc Bizreach, cho biết các công ty dần chấp nhận nhân viên thích nhảy việc và cá nhân cũng không cảm thấy tội lỗi khi xây dựng sự nghiệp một cách độc lập.

Minh Phương (Theo Nikkei)

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-26T03:27:43Z dg43tfdfdgfd