BúN VớT DướI SôNG, CANH CHUốI HờN MắM CáI… độC Lạ QUA THướC PHIM CủA đôI BạN Bỏ PHố Về QUê

Bún sông, canh chuối hờn mắm cái, mì Quảng sợi tím… và nhiều món ăn lạ đậm chất địa phương xuất hiện qua những thước phim của đôi bạn bỏ phố về quê khiến dân mạng trầm trồ.

Một năm trước, Đào Duy Tài (32 tuổi) đã quyết định rời nghề phóng viên đã gắn bó 10 năm, bỏ phố về quê.

Bỏ phố về quê

Anh và bạn của mình Nguyễn Trọng Hiếu (33 tuổi) chọn về quê nơi đồi núi Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Nơi đây đã chứng kiến nhiều lớp trẻ rời làng lên thành phố, sự trở về của hai chàng trai trẻ khiến ai nấy ngỡ ngàng. 

Đôi bạn cải tạo lại căn nhà kho cũ bên sườn đồi, làm thành căn bếp nhỏ để sống và làm việc trước nhiều lời đàm tiếu.

Trở về dọn nhà kho cũ, dựng căn bếp bên sườn đồi - Ảnh: DT

Rồi căn bếp đỏ lửa, ấm cả một góc đồi. Ba má Tài cũng dần vui vì sau những ngày mâm cơm lầm lũi, nay bữa cơm vui vẻ có thêm tiếng nói cười. Rồi bà con Đại Hưng vui hơn cả khi thấy nhiều người tứ xứ hỏi đến quê mình. Tất cả xuất phát từ những thước phim của hai chàng trai trẻ.

Anh Tài nhớ lại: "Những thước phim đầu tiên ghi lại những món ăn dân dã của quê mình. Lạ thay, điều bình dị ấy lại nhận về nhiều sự quan tâm, đặc biệt là của người trẻ khắp cả nước. Rồi kênh Bếp bên sườn đồi cũng ra đời từ đó".

Bếp bên sườn đồi với những thước phim giới thiệu những món rất dễ làm, dễ ăn nhưng không nhiều người biết. Từ món chè như xoa xoa giặt từ rong biển, những món tên lạ như mì lá chấm mắm cái, mì xắt xào đậu tây, bánh tráng ký ngũ vị…, cho đến những món vô cùng lạ như: bún sông (Đà Nẵng), canh chuối hờn mắm cái, mì Quảng sợi tím… khiến dân mạng rần rần chia sẻ.

Anh Tài cho biết: "Những món ăn không chỉ thừa hưởng từ sản vật quê hương mà trong đó cũng có nhiều yếu tố sáng tạo. Từ việc đi tìm hiểu qua người già trong làng, các cô bác lâu năm ở các chợ truyền thống… tôi mới có được cách nấu đúng vị, có câu chuyện thú vị để mang đến mọi người".

Người ta xem những thước phim của đôi bạn không chỉ bởi sự tò mò mà vì mỗi góc máy, câu chuyện đều chan chứa sự thân thuộc của quê nhà. Nhiều người xa quê được sống lại ký ức ngày thơ bé, được tìm về hương vị những món ngon quê nhà, dù giản đơn nhưng khó tìm lắm ở phố thị.

Mong góp sức cho quê nhà

Một điều đẹp đẽ là từ ngày về quê, hai chàng trai trẻ đã kết nối giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong những lần nấu bữa cơm ăn cùng những người già neo đơn ở quê mình. Vậy là những thôn làng vốn đìu hiu, ảm đạm với người già và trẻ con nay như có thêm luồng sinh khí mới từ những người trẻ trở về như Tài, như Hiếu.

Nhưng hành trình nào không có chông gai. Từ một chàng phóng viên thu nhập ổn định, lựa chọn trở về khiến cả hai mất thu nhập và vài tháng sau đó đã phải bán đi rất nhiều đồ đạc để duy trì hành trình xây dựng kênh.

Những món ăn dân dã của quê hương được đôi bạn chia sẻ - Ảnh: DT

Anh Hiếu kể, có những ngày mệt mỏi quá, suy nghĩ bỏ cuộc lại hiện lên. Rồi cả hai cố gắng tìm đọc từng bình luận cổ vũ của mọi người để thêm động lực. Họ nghĩ đến những khoảnh khắc hạnh phúc của các cụ ông, cụ bà neo đơn khi ăn cùng bữa cơm với "người lạ" để lấy lại niềm tin đi tiếp hành trình.

"Tôi mong sao ẩm thực quê không chỉ là món ngon vật lạ, mà sẽ trở thành một nét văn hóa, một miền ký ức, một khoảng sân cảm xúc đẹp cho người xem. Không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo nội dung, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển nhiều dự án để đưa ẩm thực quê đi xa và hơn hết là có thể tạo công ăn việc làm cho một số bà con ở quê mình", anh Hiếu nói.

Rời xa bộn bề để về quê tìm an yên nhưng hai bạn trẻ vẫn làm nghề theo một cách riêng, góp phần xây dựng quê nhà - Ảnh: DT

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-27T00:47:29Z dg43tfdfdgfd