Từ KHI PHâN CHIA TRáCH NHIệM TàI CHíNH VớI CHồNG, TôI THấY Cô độC

Nghĩ đến mỗi lần chồng "tránh" trả tiền, cảm giác nhói lòng khó tả, tôi khóc một mình, kiểu có chồng mà như không.

Tôi và chồng kết hôn năm 2019 khi cả hai đều đã ngoài 30, tôi hơn chồng một tuổi. Từ nhỏ cuộc sống của tôi rất vất vả nên phải tự lập sớm. Từ khi học cấp ba trở đi là bố mẹ không phải lo học phí, sinh hoạt cho tôi nữa. Tôi tự ý thức hoàn cảnh, lo kiếm học bổng và làm thêm để trang trải cuộc sống. Sau này đi làm, tôi cũng cố gắng, nỗ lực để gửi về cho bố mẹ chút ít. Tôi bị ám ảnh "cơm áo gạo tiền" đến nỗi không dám tự tin vào việc lập gia đình, nhưng cuối cùng lại kết hôn với anh, không nằm trong dự tính nào hết, rất tự nhiên, có lẽ là do duyên. Sau một năm kết hôn, chúng tôi có em bé.

Vợ chồng tôi đều là người tỉnh khác đến thành phố này làm việc. Cả tôi và anh đều có hoàn cảnh khá tương đồng, kiểu phải tự lập, nên khi kết hôn tự lo hết từ chuyện làm đám cưới, quà cưới..., chưa có nhà hay xe gì cả. Thời điểm tôi sắp sinh bé, mong mỏi có nhà để có chỗ vô ra và đón mẹ hai bên vào chăm khi ở cữ. May mắn là chúng tôi cũng mua được căn chung cư xã hội 40 m2, một phòng ngủ, phù hợp với điều kiện của chúng tôi. Số tiền gom được một nửa, vợ chồng vay mượn bên ngoại một phần, phần còn lại là vay ngân hàng trả trong năm năm. Rồi chúng tôi trả trước phần vay ngân hàng sau một năm, gom tiền việc bảo hiểm xã hội sau sinh và tiền tiết kiệm.

Đến đầu năm 2023, chúng tôi quyết định mua ôtô, không vay ngân hàng nhưng vay bà ngoại 100 triệu đồng. Tôi đã gom hết tiền tiết kiệm và tiền cho bạn vay trước khi kết hôn để trả trước cho ngoại nhưng không nói cho chồng biết. Tôi làm vậy để chồng có trách nhiệm hơn với tiền nợ nần. Tôi nói một chút về thu nhập và công việc của hai vợ chồng. Chồng tôi là kĩ sư, chuyên đi công trình, công việc không ổn định. Từ lúc kết hôn đến nay, mỗi năm anh làm chỉ được 5-6 tháng sau đó nghỉ do công trình đã hoàn thành và tìm việc ở công trình khác, lương anh tầm 1.000 USD mỗi tháng, thời gian còn lại là thất nghiệp.

Chồng tôi thật tính, ít nói, không nhanh nhạy, ít mối quan hệ, thế nhưng lại mơ tưởng làm giàu, kinh doanh buôn bán, tự chủ, không thích phụ thuộc. Việc không thích phụ thuộc cũng một phần do tính cách của anh, kiểu khi bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, sếp thì bất mãn. Tôi cũng giải thích với anh nhiều về việc làm ăn kinh doanh cực kỳ vất vả, phải bỏ công sức rất nhiều, không những vậy phải xây dựng mối quan hệ rộng, tài ăn nói, quảng giao và quan trọng là phải có nguồn vốn nhất định để thực hiện. Anh cần phải có kế hoạch và chuẩn bị tinh thần dài hạn mới chiến được.

Tôi nói với anh là hiện tại nhà mình vậy cũng ổn, đi làm tàng tàng vậy, có thời gian bên con, có ngày nghỉ cuối tuần để nghỉ ngơi, chứ kinh doanh buôn bán mà bên dịch vụ cực lắm. Đặc biệt làm dịch vụ thì khi người ta nghỉ ngơi, con cần mình thì mình lại cặm cụi đi làm. Anh chỉ im lặng.

Tôi nghĩ thôi khuyên không được thì để anh trải nghiệm lấy kinh nghiệm vậy, sau đó anh làm một vài hình thức nhỏ lẻ mà nghĩ là thành công, nhưng tất cả đều thất bại. Cuối năm ngoái anh đi làm lại, tôi rất vui vì cuối cùng anh có thể đi làm rồi. Đến cuối tháng ba năm nay, anh lại nói là công trình tháng tư sẽ xong việc, hết tháng tư nghỉ. Tôi nói nếu công việc đã xác định thời gian hoàn thành như vậy sao anh không chuẩn bị kế hoạch để tìm công việc khác? Anh bảo không muốn đi xa. Tôi bảo anh tìm việc gần nhà, làm bảo trì, bảo dưỡng nhà máy cũng được. Anh chê lương ít, công việc nhàm chán. Tôi nói, việc nào cũng là việc, ở gần nhà lương thấp hơn nhưng lại tiết kiệm được các khoản khác, có nhiều thời gian bên gia đình hơn. Anh không chịu.

Rồi đợt này thấy anh nói muốn đổi biển xe để chạy dịch vụ, khi nào kiếm được việc thì đi làm, tôi biết giấc mơ tự kinh doanh vẫn chưa dừng. Tôi thực sự áp lực, bởi anh đi làm không đưa được bao nhiêu tiền cho vợ, tháng đưa tầm 10 triệu đồng nhưng cứ cuối tháng là kêu hết tiền, tôi lại chuyển lại cho anh. Tính ra, có tháng sau khi trừ thì tôi nhận được 3 đến 5 triệu đồng từ anh thôi. Anh dồn hết việc cho tôi, từ việc nội ngoại, con cái, nhà cửa, mua sắm mọi thứ trong nhà. Tôi áp lực công việc, nhà cửa, học hành mà có triệu chứng trầm cảm nhẹ, dễ nổi nóng, dễ khóc, cứ có cảm giác buồn chán và tuyệt vọng. Vậy nên tôi tính phải tìm cách để anh hiểu hơn về áp lực của vợ, hiểu hơn về tiền bạc.

Tôi là nhân viên văn phòng, lương hiện tại tầm 3.000 USD/tháng, ngoài ra có thu nhập thêm từ việc bán thời gian, kiếm thêm 500-700 USD/ tháng. Công việc của tôi khá bận, cuối tuần đang theo lớp MBA nữa, không có ngày nghỉ trong tuần. Tôi nhờ ngoại tới ở để phụ giúp đưa đón bé đi học và lo cơm nước. Tôi trả tiền cho mẹ hàng tháng, phụ bố mỗi khi cần, phần vì không muốn mẹ ra ngoài làm nông vất vả, phần vì có mẹ sẽ vui hơn và chăm sóc bé an tâm hơn. Chồng tôi làm công trình, không về nhà, việc nhờ bà ngoại chồng tôi cũng hiểu và ủng hộ.

Về thu nhập của tôi và việc trả tiền cho bà ngoại, tôi không nói số chính xác với chồng, không muốn anh suy nghĩ về việc tiền lương của vợ cao hơn chồng bởi mọi người nói đàn ông tự trọng cao, dễ tự ti nếu vợ hơn chồng. Đợt trước tết nguyên đán, tôi với anh đi nhậu, chủ yếu là rượu vào lời ra, dễ tâm sự. Tôi nói với anh là giờ em không giữ tiền của anh nữa, thấy áp lực quá, tại cầm tiền rồi lỡ tiêu gì không đúng, không đủ, hoặc tiêu hoang phí anh hỏi em lại không biết nó ở đâu. Hơn nữa, anh đi làm thì anh có quyền quyết định tiền lương của bản thân. Vậy nên tiền ai người ấy cầm, mỗi tháng anh chuyển cho em 2,5 triệu đồng để lo cho con, còn lại anh tự cầm, để dành, tiết kiệm hay đầu tư là việc của anh. Đến cuối năm vợ chồng thống nhất trả ngoại bao nhiêu thì cùng góp, mỗi người một nửa. Tiền này tôi tự gom trả hết trước rồi nhưng vẫn nói vậy để anh có trách nhiệm.

Ngoài ra anh lo xe, em lo tiền nhà như điện, nước, vận hành, sinh hoạt, còn ăn nhậu ngoài thì 50/50. Tôi cũng nói với chồng là em muốn làm vợ, làm người tình, người yêu của anh chứ không muốn làm bảo mẫu của anh. Anh đồng ý phương án tôi đưa ra và có vẻ rất vui, háo hức. Tuy nhiên, tôi thấy có vẻ không ổn lắm, có thể tôi suy nghĩ nhiều thành suy diễn.

Từ khi phương án này xuất hiện, anh có một số biểu hiện lạ, tiền 2,5 triệu đồng hàng tháng tôi nhắc mấy lần mới chuyển (chắc bắt đầu biết lo lắng hơn). Đi ăn ngoài, mua sắm bên ngoài (ví dụ mua bàn học thông minh cho con 5 triệu đồng, mua tủ quần áo 12 triệu đồng), mua quần áo, đồ đạc cho con, rủ vợ và mẹ vợ đi ăn tiệm nhân ngày 8/3 nhưng tôi lại là người trả tiền. Hai vợ chồng hẹn đi ăn 14/2, đi du lịch vùng lân cận, mỗi lần vậy anh sẽ nói là chưa rút tiền mặt, quên mang điện thoại, tôi lại là người trả tiền. Một lần thì bình thường, nhưng nửa năm như vậy rồi, tự dưng tôi lại suy nghĩ không biết vậy có ổn hay không. Tất nhiên tôi không đòi hỏi nhưng nghĩ anh nên chia sẻ để vợ có cảm giác được chia sẻ, được thấu hiểu, kiểu đưa ít cho vợ hoặc thôi lần trước vợ trả rồi thì lần này chồng trả.

Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực làm việc, học tập để không phải là gánh nặng cho chồng, cho gia đình. Thực lòng tôi vẫn muốn được chồng quan tâm, chia sẻ để anh cảm nhận được áp lực vợ đang gánh, không phải chịu một mình mà còn có chồng luôn ở bên. Tôi làm vậy có phải không mọi người? Mong được chia sẻ để tôi có cái nhìn khách quan hơn và sửa sai nếu có.

Thùy Dương

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-07T04:41:59Z dg43tfdfdgfd