NGHị LựC SốNG CủA Cô DâU NGồI XE LăN TRONG NGàY CướI

Trước khi gặp được tình yêu đời mình và có đám cưới viên mãn, Hồng Nhung, 23 tuổi quê Bình Phước, đã có gần 20 năm đấu tranh với bệnh tật, trải qua những giằng xé nội tâm.

Ngã rẽ nghiệt ngã

Hồng Nhung vốn chào đời với một cơ thể lành lặn nhưng lên 5 tuổi, cuộc đời cô bỗng gặp tai ương. Nhung kể trong một buổi chiều đi học mẫu giáo về, hai chân cô mất cảm giác hoàn toàn. Ngay lập tức, bố mẹ đưa Nhung đi viện. Trải qua nhiều lần thăm khám, các bác sĩ vẫn chỉ có một kết luận duy nhất, Nhung bị viêm tủy cắt ngang, liệt hoàn toàn từ rốn trở xuống, không thể đi tiểu chủ động. Viêm tủy cắt ngang là thương tổn cấp tính xảy ra ở một đoạn của tủy sống, khiến người bệnh bị mất cảm giác ở vùng bị tổn thương, rối loạn cơ tròn, liệt vận động.

Lời chẩn đoán là cú sốc lớn với cả gia đình Nhung, họ phải học cách chấp nhận. Bố mẹ thương, hỗ trợ Nhung bằng tất cả khả năng. Những năm đầu, mẹ hỗ trợ ép nước tiểu, cứ ba tiếng giúp cô đi vệ sinh một lần. Tới khi Nhung gặp các bạn cùng cảnh ngộ, cô học được cách tiểu tiện tự chủ, bớt đi phần nào gánh nặng cho bố mẹ.

Đến tuổi đi học, Nhung được mẹ bế vào trường. Trên lớp, cô ngại phiền hà mọi người nên dù khát khô cổ họng, cô không dám uống giọt nước nào. Vì thể trạng khác biệt, Nhung khó hòa nhập với mọi người. Cô sống khép kín, như người vô hình ở lớp học, chưa bao giờ dám để bạn bè nhìn thấy mình ngồi xe lăn.

Học hết cấp hai, Nhung cần nhập học trường cấp ba cách nhà tới 15 km. Nhưng, vì sợ mẹ đưa đón vất vả, Nhung quyết định nghỉ học. "Nhưng kể từ lúc đó, mình luôn thấy bản thân vô dụng, không có giá trị. Nhìn bạn bè đến trường, mình thèm được đi học lắm nhưng không đủ can đảm", Nhung nói. Cuộc sống của Nhung lúc này quanh quẩn trong bốn bức tường, sống khép kín với mọi người xung quanh.

Nhung sống như vậy trong khoảng một năm, trước khi cô biết tới nghề trang điểm và quyết định đi học ở một cửa hàng áo cưới. Cuộc đời cô từ đây rẽ sang trang mới. Mỗi ngày, cô được bạn đèo đi học bằng xe máy ở tiệm cách nhà 15 km. Hai người bạn hay cùng nhau tâm sự về chuyện học, cùng đi cafe, ngắm cảnh.

Nhờ niềm đam mê mới, Nhung cảm nhận cuộc sống có ý nghĩa hơn. Khi đã ra nghề, cô bắt đầu nhận khách trang điểm, học thêm nghề phun xăm, làm nail. Để thuận tiện cho công việc, Nhung thuê trọ cách nhà 30 km. Năm ngoái, cô tự mở tiệm riêng, vừa làm vừa nhận học viên. "Chỉ việc bước đi trên đôi chân là mình không thể, còn những việc người khác làm được, mình đều có thể", cô nói về bước đường tự lập của bản thân.

Với nỗ lực bền bỉ, Nhung đã tự kiếm được tiền bằng đôi bàn tay khéo léo, không còn là một cô gái nhút nhát, tự ti ngày nào. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của cô, tình yêu và hôn nhân vẫn là chuyện gì đó rất xa vời. "Lúc đó, mình nghĩ cả đời này sẽ không kết hôn", Nhung nói.

Tình yêu chữa lành

Tháng 2/2023, Thanh Dương xuất hiện. Anh làm nghề xăm hình, mở tiệm riêng ở Đồng Xoài, cách tiệm của Nhung 3 km. Ban đầu, anh tình cờ biết và chủ động kết bạn với Nhung qua mạng xã hội. Sau vài lần nhắn tin, Dương nhanh chóng cảm nắng Nhung - cô gái có gương mặt xinh xắn và cách nói chuyện duyên dáng.

Lấy phương châm "nhất cự ly, nhì cường độ" khi "cầm cưa" Nhung, mỗi ngày, Dương đều ghé mua đồ ăn sáng cho cô. Gặp mặt nhau, biết hoàn cảnh của Nhung, chưa một lần Dương lăn tăn về điều đó. Trái lại, anh cảm phục nghị lực sống của cô gái nhỏ hơn mình hai tuổi.

"Mình không dám đặt niềm tin vào ai. Nhưng khi gặp anh, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Anh không ngần ngại, sẵn sàng bế mình đi vệ sinh, lau dọn nếu chẳng may mình tiêu tiểu không tự chủ. Cách anh yêu thương, săn sóc khiến mình không còn mặc cảm, tự ti về bản thân", Nhung nói.

Trong gần một năm tìm hiểu nhau, cả hai chưa từng chia tay, không cãi nhau, đôi khi giận hờn vu vơ nhưng luôn nhanh chóng làm lành. Ngày Thanh Dương đưa bạn gái về ra mắt phụ huynh, Nhung từng lo sợ. Nhưng cô nhanh chóng ngạc nhiên bởi phản ứng của mẹ anh. Bà dặn con trai rằng: "Con yêu ai thì mẹ không nói, nhưng yêu Nhung thì phải nghiêm túc". Những lời của bà khiến cô gái gen Z cảm động, biết mình được yêu thương.

Đến tháng 11/2023, Thanh Dương và Hồng Nhung làm đám cưới. "Gia đình hai bên đều cho mình tự quyết định mọi thứ theo ý thích. Lúc làm đám hỏi, bố bế mình ra ngoài, khi đó chồng và khách mời đều khóc. Hôm làm đám cưới cũng vậy, lúc chúng mình ở trên sân khấu, ở dưới ai cũng khóc mắt đỏ hoe. Mình rất nhớ những khoảnh khắc ấy khi được mọi người yêu thương", Nhung kể.

Sẵn sàng đánh đổi để có 'trái ngọt tình yêu'

Sau đám cưới, năm 2024, Nhung tính tới chuyện có con với Dương. Bởi Nhung từng nghe những cô gái mắc căn bệnh giống mình đã sinh em bé thành công. Bác sĩ cũng tư vấn cho vợ chồng Nhung rằng bệnh này không ảnh hưởng tới em bé. Nhưng mang thai gây tác hại lớn tới mẹ vì cột sống yếu. "Nếu có thai, sinh con, cột sống của mình sẽ cong vẹo, di chuyển khó khăn hơn, hay đau người. Nhưng mình cảm thấy sự đánh đổi này rất xứng đáng. Với mình, con khỏe mạnh là được", Nhung nói.

Đến lúc mang thai tự nhiên, Nhung cảm thấy "không thể tin được" và chồng cô cũng vậy. "Mình cứ thử thai hoài, xong chờ cả tuần để đi khám rồi mới tin. Sau đó, mình lo nhiều hơn, sợ em bé gặp nguy hiểm nên mỗi lần khám thai, mình đều lo lắng. Tới lúc con chào đời lành lặn, mình an tâm hơn một xíu. Có con là một điều kỳ diệu, niềm hạnh phúc nhất đời mình", cô bày tỏ.

Khi em bé chào đời, Nhung tự cho con ăn, ru bé ngủ. "Nhưng lưng mình yếu nên không bế con được, may có mẹ ruột, chồng cùng hỗ trợ chăm bé. Trộm vía con từ lúc sinh ra tới giờ được 5 tháng tuổi, không bắt mẹ phải thức đêm, không bắt bế. Thương lắm. Giờ con cứng cáp, biết ngồi thì mọi người mới bế ngồi xe lăn với mẹ", Nhung nói.

Từ khi hết ở cữ, Nhung làm việc trở lại và được mẹ ruột phụ chăm em bé. Cô vẫn nhận khách phun xăm, makeup, nail. Dẫu vậy, Nhung vẫn chưa nhận học viên mới, chọn làm ít hơn để dành thời gian cho con, đôi khi livestream bán quần áo để vừa có thể trông con, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

>> Nghị lực sống của người phụ nữ '4 chân'

Tú Anh

Ảnh: NVCC

Đọc bài gốc tại đây.

2024-10-01T17:16:33Z dg43tfdfdgfd